KILLER OF THE FLOWER MOON (2023)

Trong tiểu thuyết The Pearl (1947) của John Steinbeck, một cặp vợ chồng nghèo bỗng nhiên một ngày vớt được một viên ngọc trai lớn dưới biển sâu, những tưởng rằng viên ngọc trai đó sẽ làm đổi thay cuộc đời nghèo túng, tăm tối của họ và cho họ cùng những đứa con một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bọn họ đã mơ đủ điều về tương lai với viên ngọc trai đó mà không nhận ra đồng thời nó là hồi báo cho những tai ương rình rập. Cái ác nảy nòi từ lòng tham sẽ không phương hại được đến họ khi họ nghèo nhưng khi họ nắm trong tay một báu vật lại chẳng biết phải dùng nó như thế nào thì đó là lúc họ mỏng manh và dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết trước sự tai ác của thế gian và lòng đố kỵ của con người. Sau rốt, chẳng ai có được hạnh phúc hay tương lai với viên ngọc trai đó, thứ ập đến là bi kịch nối tiếp bi kịch, là sự nhắc nhở cho con người về sự yếu ớt của họ trước tiền bạc, lòng tham và trước thế gian này. 

Bộ phim mới nhất của Martin Scorsese – Killer of the Flower Moon (2023) có một sự tương đồng sâu sắc với tiểu thuyết của Steinbeck, dù rằng một bên là câu chuyện có thật còn một bên là hư cấu. Điều đó đủ để cho thấy rằng thứ mà Steinbeck hư cấu nên hoàn toàn có cơ sở, ông đang đơn giản chỉ ra sự tai ác của nhân loại, còn Scorsese thì cho người ta thấy sự tai ác đó có hiển hiện, và nó hiển hiện ở muôn nơi. Không ai có thể phủ nhận, Mỹ là một đất nước vĩ đại, một dân tộc tiến bộ, nhưng nước Mỹ trong mắt Scorsese giống như một gã cường hào trở nên giàu có nhờ vào việc giẫm đạp lên máu của kẻ khác. Giống như đám dân da trắng đến vùng đất của người Osage và lợi dụng họ, những gã da trắng lươn lẹo và cơ hội lợi dụng những con người thuần khiết ở Osage, rút máu họ, hút cạn họ để làm đầy túi chính mình mà không có lấy mảy may chút cảm thông nào giữa người với người. Bọn họ giẫm đạp lên máu của người Osage cũng như cố gắng hút cạn thứ tài nguyên mà đất đai ban cho người Osage, thứ mà người da trắng gọi là vàng đen nhưng với người bản địa là máu của đất. Hình ảnh người ta vui sướng khi nhìn những lớp dầu phụt lên từ lòng đất giống như một báo trước cho niềm hân hoan nanh ác của những kẻ cơ hội chứng kiến người vợ, người yêu của mình chết dần chết mòn trên con đường đạt đến âm mưu của chúng. Sự giàu có nhanh chóng trong vô minh của người Osage dẫn đến họa sát thân của họ nhưng chẳng ai trong số những con người thánh thiện, thơ ngây đó lại nghĩ đến những người da trắng tốt bụng kia là ngọn nguồn của tất cả. Hoặc giả họ có nhận ra, nhưng lại quá tốt đẹp lẫn yếu đuối để có thể thực sự phản kháng lại những điều người da trắng làm. 

Như Mollie (Lily Gladstone) có lẽ cũng đã hiểu rõ tâm tư không ngay thẳng của Ernest (Leonardo Di Caprio) ngay từ đầu nhưng cô vẫn chọn tin anh ta, yêu anh rồi cưới anh. Mà một khi đã cưới, cô đặt hết niềm tin nơi chồng mình, không chút nào mảy may cảnh giác với người chồng và chú của anh ta – William Hale (Robert De Niro). Ta không biết Mollie có thực sự không biết hay không, trong nụ cười và ánh nhìn của cô luôn toát lên một vẻ bí ẩn khiến cho người xem cứ phải đoán già đoán non giống như nụ cười Mona Lisa, và chính Gladstone cũng gợi nhắc cho ta một Mona Lisa bằng xương thịt trên màn ảnh. Cô chẳng mang vẻ đẹp chim sa cá lặn, chẳng mang hình thể của một siêu mẫu, nhưng sự bí ẩn trong nụ cười của cô và những đường nét duyên dáng khiến cho Mollie hiện lên như một hiện thân của một vị nữ thần cổ đại thánh thiện và chịu nhiều nỗi uất nhục do con người gây ra với lòng cam nhẫn vô biên để mong cải hóa nhân loại, nhưng rồi cuối cùng nàng chỉ có thể bất lực nhìn nhân loại vô ơn ngày ngày đi vào cõi u mê rồi đến nước tự diệt chính mình, chỉ còn nữ thần vẫn hoài giữ nụ cười bao dung đó và sống tiếp cuộc đời cũng như sứ mệnh của nàng. Sự hiện của Lily Gladstone bên cạnh Leonardo Di Caprio trong bộ phim mang đến sự tương phản rõ rệt của hai thái cực thiện – ác, của sự cao quý thánh thiện và sự hèn mạt ngu dốt. 

Ernest là một kẻ đốn mạt, hèn hạ lại còn ngu độn. Hắn hiện lên như một kẻ mù quáng chỉ biết tuân phục người chú của mình và chẳng một lần có chính kiến riêng cho mình. Ngay từ ngày đầu tiên đến Osage, Ernest đã thể hiện gã là một tay ưa bạo lực đẫm máu nhưng lại không dám nhìn thẳng vào chú mình, Ernest sợ chú, cũng không dám cãi lại chú gã, lại run rẩy và lắp bắp giống như một con chuột cống. Xuyên suốt cả bộ phim, nhân vật Ernest là đại diện cho cái ác thuần túy trong con người, là thứ hèn hạ, đốn mạt nhất trong bản năng nhân loại, nhưng những gì Ernest làm đều không xuất phát từ tư duy độc lập, gã không có suy nghĩ, không có đấu tranh, không có vươn lên, mãi mãi chỉ là một tay sai cho kẻ khác. Ernest là cái ác ngự trị bên trong mỗi con người không được gột rửa bởi lý trí và không được kìm hãm bởi trí tuệ. Đây là một vai diễn xuất sắc nữa của Leonardo Di Caprio khi anh có thể làm hiển lộ một Ernest vừa hèn hạ, đốn mạt khi lợi dụng và coi thường những sinh mạng con người xung quanh, những người đã dang tay chào đón hắn vào cộng đồng của họ, coi hắn như gia đình, và cũng vừa ngu dốt khi rõ ràng hắn cũng yêu vợ và con mình nhưng lại vẫn tự mình tiêm thuộc độc để giết vợ. Cái ác của Ernest là sự thứ sinh, tầm gửi vào sự lão làng, cáo già của Hale, chính vì thế hắn không dám làm trái lời Hale, hắn sợ Hale giống như một cái bóng mãi núp sau vật chủ của mình. Ernest là con rối mà Hale tạo ra và giật dây, nhưng chính hắn cũng chưa từng muốn thoát ra khỏi sự điều khiển đó của Hale, Ernest không có suy nghĩ và không có lý trí đến mức đó. 

Trong khi đó, Hale là hiện thân của cái ác hoàn hảo được đội trong cái lốt của người tốt. Và có lẽ, Hale thực sự tin rằng lão là Chúa trời, do đó lão mới có thể ngang nhiên thao túng người khác, giết người, gây ra cuộc diệt chủng tồi tệ đến thế, trên bàn tay gã dính máu bao nhiêu người không đếm xuể nhưng nhân vật này từ đầu chí cuối đều giữ một thái độ nhất quán rằng lão chẳng liên quan gì đến những chuyện đó. Thái độ đó không phải do Hale cố gắng lấp liếm mà lão thực sự tin thế, Hale là hiện thân của tầng lớp chóp bu tinh hoa của xã hội, tầng lớp được xã hội và các thiết chế bảo vệ vô điều kiện bởi vì bọn họ mang lại quá nhiều lợi ích người khác thèm muốn, đến mức bọn họ tự cho rằng mình là một ngoại lệ của Chúa, có thể ra tay làm bất kể điều ác mà không phải chịu bất cứ hình phạt nào. Làm gì còn ai có thể hợp vào vai diễn đầy sự tự mãn, cao ngạo điên rồ này ngoài lão làng Robert De Niro. 

Ảnh: Screen Rant

Bộ ba nhân vật trung tâm của bộ phim là Mollie – Ernest – Hale hay bộ đôi Ernest và Hale đã cuốn người xem vào một vòng xoáy tội ác đầy phi lý nhưng hiện thực của Killer of the Flower Moon. Nước Mỹ trong con mắt của Scorsese là một gã khổng lồ ưa bạo lực, dối trá, và đẫm máu, sẵn sàng giẫm đạp lên người khác, những dân tộc khác để thu lợi cho mình. Lối kể chuyện của Scorsese đầy vi tế, không công khai ủng hộ hay phản đối, không chia phe và chọn phe, sự tiết chế trong từng khung hình và cách xây dựng nhân vật cho phép khán giả được nhìn thấy hiện thực trước mắt và tự đưa ra nhận định của riêng mình. 
Killer of the Flower Moon (2023) là một thức phim lớp lang về cái ác đã trở thành nền tảng cho sự giàu có và quyền lực của nước Mỹ hiện đại. Bộ phim mới nhất của Martin Scorsese mang đến cho người xem một trải nghiệm điện ảnh thuần khiết với vẻ đẹp nguyên bản mà người chỉ có thể thấy được ở những khung hình chỉn chu, những góc máy dài, hay trong lời thoại được nhào nặn bằng sự tỉ mẩn, nghiêm cẩn để chạm đến từng phân tâm trí người xem, khiến người ta khó lòng dứt khỏi những gì đang diễn ra trên màn ảnh dù phải ngồi dí trên ghế đến hơn 210 phút. Đồng thời, nó mở ra cho người xem một sự choáng ngợp trước cái ác xuất phát từ sự ngu độn của con người, dù có gặp bao nhiêu kẻ hèn trên đời ta cũng khó lòng có thể mường tượng ra những kẻ hèn hạ đến mức như Ernest (Leonardo DiCaprio) và William Hale (Robert De Niro), và ta cũng không thể nào ngừng tự hỏi rằng đằng sau nụ cười của Mollie, nàng rốt cuộc đang thực sự nghĩ về điều gì? Cái kết của Killer of the Flower Moon (2023) cũng không thực sự là điều mà nhiều người mong đợi nhưng càng vì thế ta càng ám ảnh nhiều hơn với sự thật và hiện thực mà Scorsese đã mang đến.

Bình luận về bài viết này