Trương Quốc Vinh – “Người đi một nửa hồn tôi mất…”

Với bài cuối cùng trong chùm ba bài của dự án mini này tôi thực sự có rất nhiều cảm xúc, bởi vì thời khắc này tôi không khỏi thổn thức nhớ về anh, nhớ về thế giới đã không còn Trương Quốc Vinh nữa. Anh trong lòng tôi là một chú phượng hoàng kiêu hãnh đã mang lại niềm tự hào cho điện ảnh Hồng Kông và toàn châu Á.

Trình Điệp Y. Ảnh: Bá Vương Biệt Cơ (1993)

Lần đầu tiên “gặp được” anh trong Trình Điệp Y của Bá Vương Biệt Cơ (1993), thật xúc động làm sao. Trình Điệp Y và cái chết của y trong phim là đại biểu cho sự lụi tàn của cái đẹp nguyên vẹn và chân chính, nhưng không chỉ ở trong phim, ngoài đời chính cái đẹp ấy cũng là điều mà cả đời Trương theo đuổi. Anh khi là ca sỹ hay khi là một diễn viên đều không ngừng theo đuổi sự hoàn mỹ, với sân khấu anh là nghệ sỹ tiên phong khi đưa Cantopop phủ sóng không chỉ ở Hồng Kông mà còn ra các quốc gia lân cận, trên sân khấu, anh bạo liệt và quyến rũ, táo bạo và đầy màu sắc, kiêu hãnh như một con chim phượng hoàng. Với điện ảnh, ở mỗi vai diễn của Trương Quốc Vinh, ta đều thấy được sự nhập tâm tuyệt đối của anh, Trương là nghệ sỹ mà bất kể vai chính hay vai phụ anh đều đạt đến độ xuất chúng và đều để lại dấu ấn sâu đậm.

Đọc tiếp “Trương Quốc Vinh – “Người đi một nửa hồn tôi mất…””

Xuân Quang Sạ Tiết (1997) – Trương Quốc Vinh trong Hà Bảo Vinh và La Diệu Huy

Bộ phim năm 1997 của họ Vương là bộ phim tôi ít thích nhất dù rằng nó luôn được đánh giá cao, cái không khí trong phim nhuốm màu cô đơn miên viễn khiến cho tôi có cảm giác nghẹt thở khi xem và tôi cũng không có ý định xem lại nếu như không làm dự án này. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều người khác, Lương Triều Vỹ và Trương Quốc Vinh trong phim đã trở thành cặp đôi màn ảnh yêu thích nhất của tôi. Với Xuân Quang Sạ Tiết, họ Vương dường như xoáy sâu vào câu chuyện ở phía Lương Triều Vỹ, ngôi kể trong phim cũng từ góc nhìn của La Diệu Huy, nhưng bằng cách nào đó, tôi vẫn cảm thấy Hà Bảo Vinh mới là trung tâm của tất cả. Vinh là sự bắt đầu cũng là kết thúc, là hạnh phúc cũng là đau khổ của Huy.

Điệu nhảy tango của Hà Bảo Vinh và La Diệu Huy trong căn bếp ngột ngạt của khu nhà trọ tại Buenos Aires của La Diệu Huy, một trong những cảnh phim kinh điển và đáng nhớ nhất trong Xuân Quang Sạ Tiết (1997). Ảnh trong phim.

Cuộc tình của Hà Bảo Vinh và La Diệu Huy trong phim còn xa mới có thể liên tưởng đến được với cái tên tiếng Anh mà họ Vương đã dùng để đặt cho phim Happy Together – Hạnh phúc bên nhau. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu xa vào ý nghĩa thực sự của hạnh phúc, ta sẽ thấy hạnh phúc kỳ thực không gắn liền với một cái kết mà nó gắn với khoảnh khắc. Người ta bên nhau, có thể không đi cùng nhau đến tận cùng, nhưng đã có những phút giây hạnh phúc bên nhau, vậy là đủ.

Đọc tiếp “Xuân Quang Sạ Tiết (1997) – Trương Quốc Vinh trong Hà Bảo Vinh và La Diệu Huy”

Bá Vương Biệt Cơ (1993) – Khi cái đẹp hóa thành sinh mệnh

Người ta đều nói Bá Vương Biệt Cơ (1993) là giấc mộng hoang đường, là mối tình hư ảo bất phân sân khấu và đời thực, còn tôi mỗi khi nhớ đến Bá VươngNgu Cơ chỉ cảm thấy xót xa thay cho số phận của cái đẹp trong bộ phim của Trần Khải Ca.

Trong Bá Vương Biệt Cơ (1993), thế giới của những con người trong đó chỉ bó hẹp trong phạm vi của sân khấu, càng xem tôi càng chẳng thể phân biệt được đâu là đời thực đâu là sân khấu. Vào cái ngày đầu tiên người mẹ đưa Đắc Chí đến đoàn hát, đôi mắt ngập tràn sợ hãi đồng thời vẫn đầy quật cường của cậu bé dường như đã nói trước cho chúng ta về số phận và tương lai của Đắc Chí, hay Điệp Y sau này. Cái cách mà Đắc Chí đối xử và bị ảnh hưởng bởi Tiểu Lâu cũng cho thấy những bi kịch của anh mà phần lớn sẽ bị gây ra bởi Tiểu Lâu. Với tôi, Bá Vương Biệt Cơ là ẩn dụ to lớn về cái đẹp, xuyên suốt bộ phim là những ẩn ức của con người ta về cái đẹp toàn mỹ mà khi gặp phải những tầm thường, xấu xí thì nó sẽ phải chết đi. Cái đẹp và cái xấu xí tuyệt đối không thể tồn tại song song với nhau.

Đọc tiếp “Bá Vương Biệt Cơ (1993) – Khi cái đẹp hóa thành sinh mệnh”