LOVE, DEATH & ROBOTS (2019)

Trong khuôn khổ của chuyến review lại những phim ấn tượng nhất 2019 của tôi thì không thể không nhắc đến Love, Death & Robots (2019) – một series gốc của Netflix, và ngay từ lần đầu xem, nó đã trở thành một trong những series yêu thích nhất của tôi. Love, Death & Robots (2019) là một series hoạt hình dành cho người lớn … Đọc tiếp LOVE, DEATH & ROBOTS (2019)

“The shape of water” hay Dáng hình của tình yêu

The-Shape-of-Water-James-Jean-Poster-Cropped

Thể loại: Chính kịch, Kỳ ảo, Phiêu lưu, Lãng mạn

Đạo diễn: Guillermo del Toro

Biên kịch: Guilermo del Toro, Vanessa Taylor

Diễn viên: Sally Hawkins, Doug Jones, Richard Jenkins, Octavia Spencer, Michael Shannon…

Năm: 2017

Ngôn ngữ: Tiếng Anh

Đề cử: Quả cầu vàng 2018 – Phim chính kịch hay nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất, Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, Kịch bản gốc xuất sắc nhất,…; BAFTA;….

Giải thưởng: Quả Cầu vàng 2018 – Đạo diễn xuất sắc nhất và Nhạc phim gốc hay nhất;…

Tình yêu cũng giống như nước, ta không thể định hình được nó, thứ cảm giác ta tưởng có thể chạm tay được vào thực ra cũng hư ảo như chính cái ta đang cảm nhận, chỉ có nhịp đập của trái tim là thật. Đó là những điều tôi đã ngẫm nghĩ mãi sau khi xem “The shape of water”.

Lâu lắm rồi, tôi mới xem một bộ phim nên thơ đến nhường ấy. Tự biết bao lâu nay, các nhà làm phim đã khai thác triệt để chủ đề tình yêu, tôi cho rằng như vậy. Nhưng, chưa có bộ phim nào khiến tôi cảm thấy sự rung động tự trong sâu thẳm như vậy. Xuyên suốt cả bộ phim, hai nhân vật chính không hề nói với nhau một câu nào, nhưng điều đó không hề khiến họ bỏ lỡ nhau bất cứ giây phút nào. Kể từ giây phút đầu tiên Elisa gặp Amphibian cho đến khoảnh khắc sau cùng của cả bộ phim, sự kết nối và thấu hiểu giữa hai bên đã luôn hiện hữu, từ cái chạm tay qua lớp kính ngăn cách Elisa và Amphibian ở phòng thí nghiệm, từ điệu nhạc mà cô mở cho Amphibian, từ những quả trứng cô mang đến cho “người” ấy.

Elisa là một cô gái câm với tâm hồn của một nghệ sĩ cô độc, tôi chắc chắn thế, bởi cái cách cô nhảy nhót theo điệu nhạc, cái cách cô bầu bạn với Giles – người bạn thân nhất của cô, người họa sĩ tài năng nhưng không được công nhận, và cũng cô độc giống như cô, cô chắc chắn là một người có tâm hồn đẹp, và một nghệ sĩ sẽ là ai nếu họ không có tâm hồn đẹp chứ? Nhưng cô cô độc, từ cái cách mà Elisa sắp xếp mọi thứ trong cuộc sống giản đơn của cô một cách máy móc, mỗi buổi sáng thức dậy, luộc trứng rồi đi tắm và tự mình thỏa mãn trong đó, dường như thế giới của Elisa cô độc đến cực điểm, dù cô cũng có người bạn thân Giles và Zelda. Tuy nhiên, dường như sự cô độc đều có lý do của nó, trong một thế giới mà bất cứ ai cũng có thể mở miệng ra nói, thì sẽ chẳng có ai để ý đến một cô gái câm như Elisa, nữa là tâm hồn cô. Elisa có thể không phải là một vị thần giống như Ambiphian, nhưng cô có một tâm hồn đẹp, một trái tim trong sáng có thể nhìn thấu suốt bản chất con người bên trong một sinh vật ngoại lai, trong khi có những kẻ với bề ngoài đạo mạo nhưng thực chất lại mang tâm hồn của một con ác quỷ như Strickland. Ở đây, tôi sẽ không bàn về mối thâm thù chính trị đầy hoang tưởng giữa Mĩ và Liên Xô (Nga), dù nó ẩn hiện trên nền bối cảnh của bộ phim, nhưng quyền lực hay chính trị gì thì cũng phải xếp sau nghệ thuật và tình yêu thôi. Thế giới của Elisa là tiếng hát câm lặng, là tâm hồn bị vùi lấp bên dưới vẻ ngoài mờ nhạt, nhưng cô có đôi mắt biết nói, biết cười, cô có tâm hồn rộng mở có thể chạm đến một tâm hồn khác nếu nó cũng rộng mở giống như cô.

Tôi mê mẩn những khung cảnh của bộ phim này – căn hộ của Elisa và của Giles nằm trên một rạp chiếu phim, một khung cảnh làm bật rõ nỗi cô độc của hai con người kia. Không hiểu những vị khách đến rạp chiếu phim, cùng người yêu, tình nhân, bạn bè của mình có nhận ra là ở một góc nào đó ngay bên trên họ, có hai con người đang sống trong sự quên lãng của thế giới không? Tôi nghĩ, nếu như không có Amphibian, thì cả Elisa và Giles sẽ sống mãi cuộc đời của họ như thế, tổn thương vì sự chối bỏ của thế giới thực dụng trước những vẻ đẹp hoang sơ và nguyên bản, như vẻ đẹp trong tâm hồn. Màu sắc và góc quay khiến cho bộ phim trở nên buồn hơn và thơ hơn, khi thân thể của Elisa hòa vào cùng với Amphibian, tôi đã nín thở trước vẻ đẹp ấy, trước sự kết nối rõ rành rành ấy, trước sự ấp ủ và bảo vệ tuyệt đối ấy. Âm nhạc dịu êm, những bản nhạc Pháp vang lên mỗi khi Elisa nghĩ về Amphibian nghe sao da diết đến thế. Đọc tiếp ““The shape of water” hay Dáng hình của tình yêu”